Nguyễn Khoa Điềm – nỗi niềm về “Đất nước” của nhân dân!

4.8/5 - (6 votes)

Bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm được xem là bản hùng ca về tình yêu dân tộc trong những năm bom lửa kháng chiến.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã bộc lộ lòng yêu nước, niềm tự hào, sự gắn kết và trách nhiệm với tổ quốc thân yêu thông qua tác phẩm “Đất nước”, và giá trị cốt lõi là: Đất nước của nhân dân.

Tư tưởng này được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau cùng với áng thơ trữ tình chính luận sâu sắc, giọng thơ thủ thỉ, lời thơ mang bản sắc dân tộc, tất cả đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc.

Đôi nét về tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Trong thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ như: Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hòang Nhuận Cầm, Bằng Việt ….Nguyễn Khoa Điềm là một trong những tác giả tiêu biểu – người rất thành công với giọng thơ trữ tình chính luận thể hiện rõ những tâm tư của thế hệ trẻ đô thị miền Nam.

=> Xem Cách Xây Dựng Kịch Bản Podcast Hoàn Chỉnh Trong 10 Phút

Nguyễn Khoa Điềm ( 1943 ) sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức cách mạng có truyền thống yêu nước ở thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông tham gia học tập và rèn luyện trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sau đó, ông trở lại Miền Nam tham gia vào kháng chiến chống Mĩ. Ông được nhân dân bầu làm Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam khóa V và Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin. Nguyễn Khoa Điềm đã trực tiếp tham gia vào phong trào đấu tranh sinh viên nên thơ của ông mang một nỗi niềm suy tư về Tổ quốc, dân tộc, cảm xúc dồn nén tâm tư của người trí thức cộng sản….

=> Xem Google Podcasts Là Gì? Cách Tạo Podcast Trên Google Podcasts?

Bài thơ “Đất nước”

Trường ca Mặt đường khát vọng được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị – Thiên, tác phẩm chủ yếu nói về sự thức tỉnh của thanh niên thành thị miền Nam về chủ quyền non sông, đất nước, về sứ mệnh và trách nhiệm của mình phải xung phong đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đoạn trích “Đất nước” nằm trong phần đầu chương V của trường ca này.

=> Bật Mí 20 Cách Giúp Bạn Kiếm Tiền Từ Podcast

Lịch sử đất nước có từ bao giờ?

Mở đầu đoạn thơ, Nguyễn Khoa Điềm đã đặt ra một câu hỏi : “ Đất nước có từ bao giờ? “ “Khi ta lớn lên…đất nứơc có từ ngày đó” “Ta” ở đây vừa là nhân vật trữ tình, vừa là hình ảnh ẩn dụ cho những người dân Việt Nam. Đúng là, khi chúng ta lớn lên, đất nước đã có rồi. Dù chưa đủ nhận thức để hiểu đất nứơc với những khái niệm trừu tượng, to lớn như lãnh thổ, chủ quyền, nhưng mỗi chúng ta cũng đã cảm nhận được đất nứơc là một cái gì đó rất gần gũi, rất bình dị thông qua những mẩu chuyện ông bà, cha mẹ kể thường ngày.

Đất nước được hình thành từ những phong tục tập quán, những truyền thống yêu nước, lao động, văn hóa. Từ miếng trầu cay cay của bà, từ mái tóc đen bới gọn gàng của mẹ đến tình yêu gắn bó thủy chung qua gừng cay muối mặn. Tất cả những điều ấy đã trở thành nếp sống, thành thuần phong mĩ tục mang đậm đà bản sắc Việt Nam. Đất nước còn có nguồn gốc từ truyền thống yêu nước, truyền thống lao động. Xưa kia, Thánh Gióng nhổ tre làng đánh giặc Ân, ông bà ta đã phải vất vả tần tảo mới làm ra hạt gạo quý, tất cả chính là cội nguồn của dân tộc, là một phần hồn nước. Chín dòng thơ đầu là cảm nhận của nhà thơ về nguồn gốc sự hình thành và phát triển lâu đời của đất nước.

“Đất nước” trong chúng ta là gì?

Tác giả đã định nghĩa đất nước theo cách rất riêng, mượn cách trò chuyện, tâm tình với người con gái. Nguyễn Khoa Điềm đã tách “ đất” và “ nước” riêng ra, “Đất là nơi anh đến trường…nỗi nhớ thầm”.Ý thơ độc đáo, mới lạ, biến khái niệm mang tầm vĩ mô trở nên gần gũi, thân quen. Đó là mái trường ta học, là dòng sông em tắm, là góc phố, đình làng, ao sen, lũy tre, cây đa, bến nước – nơi lứa đôi hò hẹn.
“Khăn thương nhớ ai khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai khăn vắt lên vai”

Những hình ảnh quen thuộc trong truyền thuyết như “ Lạc Long Quân, Âu Cơ, bọc trăm trứng,..” cũng được nhà thơ vận dụng hết sức sáng tạo. Dân tộc ta là “con rồng cháu tiên, trai tài gái sắc”, đất nứơc ta là “đất lành chim về, đất thiêng rồng ở”, tất cả cùng nhau hội tụ về tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc hết sức thiêng liêng.

Trách nhiệm với đất nước

Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận đất nước một cách hết sức sống động, đầy cảm xúc. Đất nước là sự kết tinh từ những giá trị lâu đời, từ “ những ai đã khuất” đến “ những ai bây giờ “. Mỗi cá nhân, tập thể phải biết gánh vác trách nhiệm, đưa đất nước ta đi lên, phát triển ấm no, hạnh phúc và giàu đẹp.
“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần đất nước”

Giọng thơ như thủ thỉ tâm tình, lối xưng hô anh – em gần gũi, nhà thơ như nhắn nhủ tới các thế hệ trẻ rằng đất nước đã hóa thân trong máu xương mỗi người, trở thành một phần tâm hồn. Đó là sự gắn bó máu thịt giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu tổ quốc, trách nhiệm với đất nước cũng chính là trách nhiệm với bản thân mình.

Tư tưởng đất nước của dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhìn nhận một cách đầy mới mẻ, thú vị. Đó là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, hòn Vọng Phu, núi Bút, Non Nghiên,…Đó là lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta, là những phong tục tập quán truyền thống, những nét văn hóa lâu đời được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác, tất cả đã làm nên một đất nước Việt Nam tươi đẹp, chủ quyền.

Với lời thơ trữ tình mang đậm bản sắc dân gian, ý thơ được lấy cảm hứng từ ca dao, truyền thuyết, giọng thơ trầm bổng, thiết tha, gần gũi thân thương, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đến cho chúng ta thấy một cái nhìn rất khác về đất nước. Đất nước của nhân dân, đất nước của dân tộc, tư tưởng này đã trở thành cảm hứng chủ đạo, xuyên suốt cả bài thơ. Tác phẩm đã cho chúng ta thấy hình ảnh đất nước bình dị, thân quen, luôn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày của mỗi con người Việt Nam, chúng ta – những thanh niên thế hệ mới cần phải biết phấn đấu học tập, nỗ lực không ngừng để đưa đất nước ngày một phát triển giàu đẹp, xứng đáng với tinh thần bất khuất và công sức gây dựng của ông cha ta.

Thuc Quyen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *