Những bài nhạc Trung Thu vui nhộn, ý nghĩa dành cho thiếu nhi

Rate this post

Lại một mùa Trung thu nữa gần kề, Tết Trung thu – Tết Đoàn Viên, Tết mà được các em nhỏ mong chờ nhất. Còn gì tuyệt vời hơn khi vào đêm trăng rằm, các bé được quây quần bên gia đình cùng nhau vui chơi, nhảy múa, rước đèn, phá cỗ trung thu và lắng nghe những ca khúc tuyệt vời.

Sau đây Nhạc.vn sẽ gợi ý cho bạn liên khúc những bài hát nhạc Trung thu hay và ý nghĩa nhất dành cho thiếu nhi.

Những bài hát nhạc Trung thu được yêu thích nhất

Chiếc đèn ông sao

Đây là bài hát vô cùng quen thuộc với biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam, mỗi khi tết Trung thu về. Bài hát được sáng tác bởi nhạc sĩ Phạm Tuyên vào năm 1956 khi ông đang công tác tại Nam Ninh, Trung Quốc. Với tất cả nỗi niềm yêu thương các em thiếu nhi Việt Nam, ông đã sáng tác ca khúc này hi vọng trẻ em Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đều được đón 1 cái Tết Trung thu trọn vẹn.

Giai điệu quen thuộc cùng tiếng trống rộn ràng, vui tươi vang lên khiến cho lòng người lại thổn thức bồi hồi nhớ về cái Tết Đoàn viên bên gia đình. Đêm rằm tháng 8 cùng nhau rước đèn đi quanh làng, hát những bài ca vui vẻ, ăn cái bánh nướng, bánh dẻo. Đó chính là ký ức tuổi thơ tuyệt đẹp trong lòng mỗi người dân Việt.

Trải qua hơn 50 năm, ca khúc bất hủ này vẫn luôn được coi là bài hát quốc dân hay nhất dành cho các bé mỗi dịp Trung thu về.

Thằng Cuội

Ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ Lê Thương trong khoảng những năm 1946-1954, ca khúc đã nhận được niềm yêu thích của đông đảo các bé thiếu nhi bởi giai điệu vui nhộn, hài hước, ca từ dễ thương, trong sáng. Hình ảnh chú Cuội già quanh năm suốt tháng ngồi mãi trên cung trăng, ôm lấy cây đa và mơ về mối tình cùng chị Hằng.

Bài hát như một bức tranh về câu chuyện cổ tích đầy màu sắc, nơi chứa đựng tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Cảm giác thân quen đến bình dị lạ thường đã khiến cho bài hát có một sức hút vô cùng lớn đối với các em nhỏ và toàn thể khán giả.

Chú Cuội, chị Hằng, Thỏ Ngọc chính là bộ ba nhân vật không thể thiếu trong mỗi dịp Trung Thu về.

Đếm sao

Một bài hát gắn liền với tuổi thơ của nhạc sĩ Văn Chung, tin rằng chắc chắn tất cả mọi người dù ở lứa tuổi nào cũng sẽ thuộc bài hát này. Ca từ của bài hát “Đếm sao” như một bài tập đếm, tiết tấu cũng đơn giản dễ hát dễ thuộc, không chỉ hát vào mỗi dịp Trung thu mà ca khúc còn được hát rất nhiều mỗi khi các bé tập đếm.

Giai điệu ngân vang quen thuộc đầy trìu mến với niềm mong ước đất nước hòa bình để các em nhỏ có thể đón Tết Trung thu một cách yên bình, hạnh phúc.

Rước đèn tháng Tám

Là một sáng tác của nhạc sĩ Đức Quỳnh ( tên thật là Vân Thanh ), bài hát gợi nhớ những kí ức về một đêm rằm, các bé tung tay cầm trên tay những chiếc đèn ông sao, đèn lồng đầy màu sắc đi đón chị Hằng. Mâm ngũ quả đầy ắp những trái thơm ngon, những cái bánh nướng, bánh dẻo đã cùng các em đón một đêm Trung thu thật hạnh phúc.

Tiếng trống “ tùng dinh tùng dinh “ vang lên trong không khí hân hoan, vui sướng của các bạn nhỏ, giai điệu hồn nhiên, trong sáng, đầy ngộ nghĩnh với những đầu lân sư tử, đèn lồng, mặt nạ, …Bài hát đã trở nên thân quen và dường như không thể thiếu mỗi dịp trăng rằm.

Đêm trung thu

Tác giả của ca khúc là nhạc sĩ Phùng Như Thạch, hình ảnh những đoàn múa lân sư tử rồng rắn kéo nhau đi cùng với tiếng trống rộn ràng là một hình ảnh quen thuộc trong các đêm hội trăng rằm.

Tiết tấu nhanh nhịp nhàng hòa cùng với tiếng trống, lời ca đơn giản, dễ thuộc, hợp vần giúp các bé dễ hát. Ca khúc quen thuộc này luôn được hát lên cùng tiết mục múa lân sư tử trong các đêm hội diễn văn nghệ chào đón Trung thu. Cứ nghe thấy giai điệu rộn ràng của bài ca này, ta như thấy một bầu trời kỷ niệm ùa về.

Ông trăng xuống chơi

Một bài hát mang âm hưởng ca dao vô cùng độc đáo được viết bởi nhạc sĩ Phạm Duy, giai điệu vui tươi, dí dỏm, ca từ đơn giản, rất dễ liên tưởng như “ cây cau, ông trăng, con ngựa, cây bưởi,…” đều là những hình ảnh đặc trưng của thôn quê bình dị.

Những câu hát như được ghép vần vô cùng dễ thuộc, nghe thì tưởng đơn giản nhưng lại ẩn chứa những triết lý sâu xa. Không chỉ được hát trong đêm Trung thu mà ca khúc còn là những bài học cuộc sống rất đời thường giúp chúng ta hiểu thêm về đạo lý đền ơn đáp nghĩa.

Vầng trăng cổ tích

Bài hát là “ đứa con tinh thần “ của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, trong liên khúc những bài hát Trung thu hay nhất mà không nhắc đến “ Vầng trăng cổ tích “ thì quả thật là thiếu sót.

Những câu hát hết sức quen thuộc, luôn được vang lên khắp các nẻo đường mỗi dịp Trung thu đến. Hình ảnh một câu bé ngồi ngắm đêm trăng và có những câu hỏi về chú Cuội “có nhớ nhà không ? Bao giờ xuống trần?” Đêm trăng ấy thật đẹp, thật bình yên và hạnh phúc.

Tết suối hồng

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác bài hát này để dành tặng các em nhỏ dịp Trung Thu. “Tết suối hồng” khắc họa khung cảnh vui tươi và nhộn nhịp ngày rằm tháng tám, khi các bạn nhỏ cùng nhau chơi đùa trong đất nước hòa bình.

Đèn lồng ở khắp mọi nơi, trải dài như một con suối lung linh đầy màu sắc sặc sỡ càng góp phần tô điểm thêm niềm vui náo nhiệt đêm hội trăng rằm. Bài hát này trở thành ca khúc được nhiều em nhỏ thể hiện trong các tiết mục văn nghệ đêm Trung thu trên khắp mọi miền đất nước.

Dưới ánh trăng sáng tròn vành vạnh của đêm rằm tháng Tám, bên mâm ngũ quả nào những bưởi, táo, lê,..những chiếc đèn ông sao, mặt nạ, bánh nướng, bánh dẻo mà ông bà bố mẹ đã chuẩn bị sẵn, các em nhỏ trong lòng đầy hân hoan, vui sướng. Trong khoảnh khắc ấy, những bài hát về Trung thu vui nhộn, đáng yêu vang lên càng làm cho không khí thêm tràn ngập hạnh phúc và Tết Trung thu – Tết Đoàn viên của mọi nhà thêm phần ý nghĩa.

Thuc Quyen

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *